Nga sắp đưa siêu tên lửa Sarmat vào sẵn sàng chiến đấu
Ông Putin tuyên bố ICBM Sarmat sẽ sớm làm nhiệm vụ chiến đấu, trong khi lực lượng hạt nhân chiến lược Nga cũng được bổ sung nhiều khí tài.
vnexpress.net
Ông Putin tuyên bố ICBM Sarmat sẽ sớm làm nhiệm vụ chiến đấu, trong khi lực lượng hạt nhân chiến lược Nga cũng được bổ sung nhiều khí tài.
"Các bệ phóng đầu tiên của tổ hợp Sarmat trang bị tên lửa hạng nặng đời mới sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ chiến đấu trong tương lai gần", Tổng thống Vladimir Putin phát biểu trong cuộc gặp các quân nhân trẻ ở Điện Kremlin hôm 21/6.
Tổng thống Nga cũng thông báo về năng lực răn đe hạt nhân của Nga, trong đó một nửa Lực lượng Tên lửa Chiến lược đang được biên chế tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) RS-24 Yars và nhiều đơn vị đang được trang bị những hệ thống vũ khí siêu vượt âm Avangard.
"Kho vũ khí của máy bay chiến lược và tàu ngầm hạt nhân cũng được bổ sung theo đúng kế hoạch. Phát triển bộ ba răn đe hạt nhân là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với nước Nga, vì nó giúp duy trì an ninh quốc gia và ổn định toàn cầu. Bộ ba hạt nhân của Nga giúp bảo đảm răn đe chiến lược hiệu quả và tin cậy, cũng như cán cân sức mạnh trên toàn thế giới", ông Putin cho hay.
Xem toàn màn hình
Tên lửa Sarmat rời bệ phóng trong thử nghiệm quả đạn hoàn chỉnh ngày 20/4/2022. Ảnh: TASS.
Bộ ba răn đe hạt nhân gồm ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay mang vũ khí hạt nhân. Duy trì ba trụ cột hạt nhân giúp hạn chế nguy cơ lực lượng chiến lược bị xóa sổ trong đòn phủ đầu, bảo đảm khả năng tấn công trả đũa và năng lực răn đe hạt nhân đáng tin cậy. Hiện có 4 nước sở hữu bộ ba răn đe hạt nhân gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.
Giới chức Nga cuối năm ngoái thông báo Moskva dự kiến triển khai 22 quả đạn ICBM các loại, gồm tên lửa RS-28 Sarmat, RS-24 Yars và tổ hợp vũ khí siêu vượt âm Avangard, cho Lực lượng Tên lửa Chiến lược trong năm 2023.
Dự án siêu tên lửa Sarmat được Nga khởi động năm 2011 để thay thế dòng R-36M lạc hậu. Đây là một trong 6 "siêu vũ khí" được Tổng thống Putin giới thiệu đầu năm 2018, từng trải qua nhiều giai đoạn thử nghiệm trước lần phóng thử thành công quả đạn hoàn chỉnh ngày 20/4/2022. Lần thử tên lửa hoàn chỉnh thứ hai diễn ra ngày 20/2, nhưng dường như gặp sự cố.
Mỗi quả đạn Sarmat dài 35,5 m, có đường kính 3 m, mang lượng nhiên liệu nặng 178 tấn và đạt tầm bắn trên 18.000 km. Đầu đạn cơ bản của Sarmat mạnh tương đương 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, được trang bị nhiều loại mồi bẫy để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương.
Các đầu đạn có tốc độ tối đa hơn 25.000 km/h, sử dụng hệ thống dẫn đường độc lập để tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, cũng như có thể tự chuyển hướng trong giai đoạn hồi quyển để tránh bị đánh chặn. Tên lửa Sarmat cũng có thể mang được nhiều đầu đạn siêu vượt âm Avangard, giúp chúng đánh bại bất cứ hệ thống phòng thủ nào trên thế giới hiện nay.
Tổng cộng 46 hệ thống tên lửa Sarmat sẽ được bàn giao cho quân đội Nga. Chúng sẽ được đặt trong hầm phóng của tên lửa R-36M2 Voyevoda đời cũ do Liên Xô phát triển, giúp tiết kiệm nguồn lực và thời gian triển khai.