Một người giao hàng ném mạnh chiếc điện thoại xuống vỉa hè khi nhận đánh giá tiêu cực từ khách hàng.
Trong một câu chuyện khác, hàng trăm người giao hàng tập trung bên ngoài khu chung cư để đòi công lý cho một đồng nghiệp bị bảo vệ bắt quỳ gối. Đây chỉ là một vài trong nhiều vụ phản ứng dữ dội của cộng đồng những người làm nghề giao hàng (shipper) Trung Quốc gần đây.
Ngành công nghiệp giao hàng trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc - lớn nhất thế giới về doanh thu và khối lượng đơn hàng - đã tăng gấp đôi trong ba năm phong tỏa vì Covid-19. Sự phát triển mạnh này mang lại thu nhập ổn định cho những lao động thời vụ.
Shipper giờ có mặt ở khắp nơi. Họ băng qua những tuyến đường đông đúc và các con hẻm tối tăm để giao đồ ăn. Nhiều người trong số đó không dám nghỉ làm khi trời mưa lớn hoặc bão to.
Thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đạt 214 tỷ USD vào năm 2023, gấp 2,3 lần so với năm 2020, theo ước tính của iiMedia Research. Ngàng công nghiệp này dự kiến đạt 280 tỷ USD vào năm 2030.
Nhiều tài xế ở Trung Quốc chờ nhận đơn đặt đồ ăn của khách hàng năm 2019. Ảnh: Washingtonpost
Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn với hàng loạt khó khăn, từ cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tình trạng thắt chặt chi tiêu. Điều này vô tình khiến người giao hàng chịu nhiều tổn thất.
Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hong Kong (Trung Quốc), cho biết shipper thường phải làm việc nhiều giờ và bị chèn ép từ nhiều bên. "Họ phải đối mặt với áp lực vì các nền tảng giao hàng đang duy trì chi phí ở mức thấp", Jenny nói.
Nên kinh tế chững lại đồng nghĩa với khách hàng sẽ gọi những bữa ăn rẻ hơn. Lựa chọn này làm giảm thu nhập của shipper vì hầu hết họ nhận tiền hoa hồng theo giá trị đơn hàng. Các tài xế cũng phải làm nhiều giờ hơn để duy trì thu nhập.
Khi thời gian giao hàng ngày càng bị rút ngắn, shipper phải chịu áp lực lớn. Nhiều người bất chấp băng qua đường bằng cách phóng nhanh, vượt đèn đỏ. Họ chấp nhận nguy hiểm cho bản thân và những người khác để kịp giờ giao hàng.
Tài xế đập vỡ điện thoại của mình nói rằng đánh giá tiêu cực của khách hàng nhắm vào mình là vô căn cứ. Nhưng anh vẫn bị các nền tảng phạt bằng cách giới hạn số đơn, khiến thu nhập giảm. "Họ muốn gì vậy? Họ muốn tôi chết sao?", anh nói.
Theo một báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu việc làm mới Trung Quốc, mỗi shipper kiếm được hơn 6.800 tệ (24 triệu đồng) một tháng, giảm hơn 1.000 tệ so với 5 năm trước, dù nhiều báo cáo cho thấy người lao động làm nhiều giờ hơn.
Lu Sihang, 20 tuổi, nói mỗi ngày làm đủ 10 tiếng, giao 30 đơn hàng sẽ được nhận 30-40 USD. Với mức lương này, Lu phải làm việc không nghỉ ngơi để đạt được thu nhập trung bình là 950 USD một tháng.
Gary Ng, nhà kinh tế học tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, cho biết mức tiêu thụ giảm của Trung Quốc là nguyên nhân đe dọa ngành giao hàng. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho dịch vụ giao đồ ăn. Nhiều nhà hàng cũng phải giảm giá bán để thu hút khách.
Điều này khiến thu nhập của shipper giảm bởi tiền lương gắn với hoa hồng dựa trên giá trị đơn hàng. Khách hàng cũng không rủng rỉnh và ít cho tiền tip hơn.
Shipper Trung Quốc phải chịu áp lực lớn khi thu nhập giảm, đòi hỏi phải giao hàng đúng giờ tăng. Ảnh: Washingtonpost
Tuy nhiên vấn đề không phải lúc nào cũng nằm ở nền kinh tế và túi tiền của người tiêu dùng. Nghiên cứu của China Lobour Bulletin, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong, cho biết các ứng dụng giao hàng từng đưa ra mức lương cao để thu hút đủ lao động, mở rộng thị phần.
Phó giáo sư Jenny Chan cho biết các nền tảng chi nhiều tiền để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh. Nhưng giờ đây khi đạt được sự thống trị, họ bắt đầu chuyển gánh nặng chi phí sang tài xế bằng cách cắt giảm lương thưởng.
Đầu năm nay, cổng thông tin trực tuyến do nhà nước quản lý
Workers.cn đã đưa tin về một số khiếu nại từ tài xế về việc bị phạt vô lý.
Một tài xế bị phạt 86 tệ do không nhận đơn hàng dù trước đó người này đã thông báo với nhà hàng từ chối nhận đơn do không giao đồ ăn đúng giờ. Bên cạnh đó, shipper thường nhận lương theo đơn hàng thay vì mức cố định. Điều này khiến họ bất chấp nguy hiểm để giao hàng nhiều nhất có thể.
"Chẳng shipper nào muốn vượt đèn đỏ nếu không bị giới hạn giờ giao hàng", phó giáo sư đại học Jenny Chan nói.
Áp lực của các shipper đã gây ra những hậu quả. Theo hãng tin nhà nước
Global Times, năm 2019 một shipper ở Bắc Kinh tử vong vì bị cây đổ vào người trong lúc giao hàng. Tuần trước Đài phát thanh Trùng Khánh phát video ghi lại cảnh một shipper đâm vào ôtô ở tỉnh Hổ Nam do vượt đèn đỏ.
Một shipper họ Yang 35 tuổi nói nghề giao hàng không còn tốt như trước. Tuy nhiên anh vẫn tiếp tục làm bởi sự linh hoạt. "Nếu muốn kiếm nhiều tiền bạn buộc phải làm lâu hơn. Còn nếu muốn nghỉ ngơi thì chấp nhận thu nhập giảm", Yang nói.