VIP000
Thạc sĩ
65% nam sinh mong muốn "phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì"
(Dân trí) - Hàng loạt con số từ kết quả nghiên cứu cho thấy còn nhiều định kiến giới trở rào cản đối với trẻ em gái và nữ sinh trong tiếp cận với giáo dục.
dantri.com.vn
Hàng loạt con số từ kết quả nghiên cứu cho thấy còn nhiều định kiến giới trở rào cản đối với trẻ em gái và nữ sinh trong tiếp cận với giáo dục.
Trưa 27/4, tại TPHCM, Tổ chức Saigon Children's Charity và MSD Việt Nam ra mắt chiến dịch PowHERful, một chiến dịch truyền cảm hứng cho trẻ em gái.
Chương trình đã công bố kết quả đã thực hiện khảo sát trên hơn 7.000 trẻ em để đánh giá thực trạng về những thách thức trong giáo dục mà trẻ em gái có thể gặp phải tại Việt Nam.
Tọa đàm thách thức trong giáo dục của nữ giới tại Việt Nam (Ảnh: Hoài Nam).
Kết quả khảo sát từ học sinh, sinh viên cho thấy hầu hết các em đều quen thuộc với các chuẩn mực xã hội và định kiến giới. Khoảng 90% (91% nữ, 88% nam) cho biết đã nghe những nhận định mang định kiến giới.
Cụ thể là 64% (73% nữ, 51% nam) tham gia khảo sát từng nghe nói đến nhận định "phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì". Có đến 53% đồng ý với nhận định này, đặc biệt có tới 65% nam sinh đồng ý rằng "phụ nữ phải dịu dàng, nhu mì".
Những nhận định mang tính định kiến giới phổ biến được nghe bởi học sinh (Ảnh chụp lại kết quả nghiên cứu).
Tương tự, 53% (60% nam, 49% nữ) biết đến quan điểm "đàn ông phải mạnh mẽ", thì 65% các em đồng ý với quan điểm này, đặc biệt là có tới 74% các bạn nam sinh đồng ý. Một phát hiện cũng đáng chú ý đó là, tỉ lệ nam sinh đồng ý với các nhận định mang định kiến giới cao hơn hẳn (từ 10-20%) so với nữ giới.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra 60% nam sinh và 57% nữ sinh được hỏi trả lời rằng từng được nghe người khác nói "Đàn ông là trụ cột (người kiếm thu nhập chính) trong gia đình". Mạng xã hội là nguồn thông tin học sinh nữ thường được nghe về định kiến giới nhất (62%) và đứng sau đó là gia đình (59%).
Học sinh nghe nhiều về định kiến giới từ bố mẹ và mạng xã hội (Ảnh chụp lại báo cáo).
Theo các học sinh được khảo sát, nữ giới có xu hướng nghỉ học để kết hôn cao hơn nam với tỉ lệ là 42% (nữ) và 7% (nam).
"Ở Việt Nam, có nhiều lý do mà phụ nữ thường kết hôn sớm hơn đàn ông, bao gồm cả yếu tố văn hóa và kinh tế xã hội. Một trong những lý do chính là quan niệm cho rằng con gái có trách nhiệm chăm sóc gia đình và mục đích chính của họ là trở thành một người vợ, người mẹ", trích từ kết quả nghiên cứu.
65% học sinh nữ được khảo sát nghĩ rằng trong sách giáo khoa, các nhân vật nữ thường là những người làm việc nội trợ; 55% nam sinh tham gia khảo sát cũng có câu trả lời tương tự.
Chỉ 23% học sinh nữ được hỏi cảm thấy rằng nhà vệ sinh tại trường học sạch sẽ và dễ chịu, trong khi có 46% ý kiến cảm thấy không an toàn khi sử dụng chúng.
54% nữ sinh cảm thấy ngại ngùng và xấu hổ khi nói đến kinh nguyệt và thường cảm thấy phải giấu các sản phẩm như băng vệ sinh tại trường học. 67% nữ sinh được hỏi trả lời rằng những cơn đau và sự khó chịu trong thời kỳ kinh nguyệt ảnh hưởng đến chất lượng học tập của họ.
Nữ sinh ngành sư phạm mầm non tại chương trình tìm việc làm (Ảnh: Hoài Nam).
Bà Nguyễn Thị Duy Hương, Trưởng phòng Chương trình Saigon Children's Charity nhấn mạnh, tần suất trẻ nghe về các khuôn mẫu tác động đến việc trẻ tán thành những khuôn mẫu này và hình thành quan niệm cũng như cách nhìn nhận về bản thân.
Người này cũng đặt ra vấn đề, địa vị được miêu tả dành riêng cho hai giới trong sách giáo khoa cũng hàm chứa định kiến. Phần lớn các nghề nghiệp do nam giới đảm nhận là những việc có địa vị cao như bác sĩ và kỹ sư. Trong khi các nghề nghiệp được khắc họa dành cho nữ giới như y tá và giảng dạy, có địa vị thấp hơn hoặc nữ giới chỉ đảm nhận vai trò là phụ tá cho ngành nghề của nam giới.
Hình ảnh phụ nữ trong sách giáo khoa thường gắn với công việc nội trợ, chăm sóc (Ảnh chụp lại màn hình).
Theo bà Hương, việc này có thể tác động đến nguyện vọng và lựa chọn nghề nghiệp của học sinh nữ. Các bạn tiếp nhận một cách vô thức những kỳ vọng về giới tính này dẫn đến việc các bạn tự cho rằng khả năng của bản thân bị giới hạn trong một số ngành nghề "phù hợp" với giới tính.