VIP000
Thạc sĩ
Bộ Công an muốn xây dựng Luật Dẫn độ
Việc dẫn độ người phạm tội thông qua Luật Tương trợ tư pháp trong 14 năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, Bộ Công an muốn xây dựng Luật Dẫn độ.
tuoitre.vn
Việc dẫn độ người phạm tội thông qua Luật Tương trợ tư pháp trong 14 năm qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, Bộ Công an muốn xây dựng Luật Dẫn độ.
Bà Hồ Thị Kim Thoa đang bị truy nã do bỏ trốn - Ảnh: QUANG ĐỊNH
14 năm qua, các quy định về dẫn độ nằm trong Luật Tương trợ tư pháp, đến nay đã bộc lộ nhiều hạn chế nên Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân để xây dựng hồ sơ Luật Dẫn độ.
Một số tội bị các quốc gia từ chối dẫn độ
Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách để đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, Bộ Công an nêu ra nhiều căn cứ cho thấy việc xây dựng một luật riêng về dẫn độ là cần thiết.
Báo cáo của Bộ Công an cho thấy sau 14 năm thực hiện, Luật Tương trợ tư pháp đã bộc lộ những hạn chế ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dẫn độ.
Cụ thể, dẫn độ chỉ là một trong 4 lĩnh vực mà Luật Tương trợ tư pháp điều chỉnh (gồm tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù). Trong khi đó xu thế chung của các quốc gia trên thế giới hiện nay là xây dựng riêng Luật Dẫn độ để thuận lợi cho việc áp dụng.
Cụ thể, các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia… đều đã ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.
Một số nội dung của Luật Tương trợ tư pháp chưa phù hợp với pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Năm 2019, Việt Nam dẫn độ gần 400 tội phạm bàn giao cho Trung Quốc - Ảnh: TIẾN THẮNG
Chẳng hạn, Luật Tương trợ tư pháp chưa có quy định về việc từ chối dẫn độ trong trường hợp có đủ căn cứ để tin rằng người bị yêu cầu dẫn độ có nguy cơ phải chịu sự tra tấn ở quốc gia yêu cầu.
Ngoài ra, theo quy định của các điều ước quốc tế song phương về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, các quốc gia thường từ chối dẫn độ trong trường hợp tội phạm được yêu cầu dẫn độ được xác định là tội phạm chính trị hoặc tội phạm quân sự.
Tuy nhiên, Luật Tương trợ tư pháp chưa có quy định cụ thể về trường hợp này cũng như căn cứ để xác định tội phạm chính trị, tội phạm quân sự.
Trường hợp hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, hiện Luật Tương trợ tư pháp quy định "có thể từ chối dẫn độ", tuy nhiên thực tế cần quy định trường hợp này bắt buộc từ chối dẫn độ.
Tội phạm Việt Nam bỏ trốn đến các quốc gia không có hình phạt tử hình
Đặc biệt, liên quan đến việc áp dụng hình phạt tử hình, hiện một số quốc gia (nhất là nhiều nước châu Âu) không quy định hình phạt tử hình.
Do đó, khi xử lý các yêu cầu dẫn độ, các quốc gia này đều đề nghị Việt Nam cam kết không tuyên phạt tử hình hoặc tuyên phạt nhưng không thi hành đối với người phạm tội.
Tuy nhiên, vấn đề cam kết không áp dụng án tử hình trong thực hiện tương trợ tư pháp hình sự là một vấn đề rất lớn, phức tạp, chưa được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp.
Bên cạnh đó, theo Bộ Công an, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nắm bắt được việc các quốc gia có xu hướng yêu cầu cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ, đã bỏ trốn đến các quốc gia này và hy vọng rằng nếu bị dẫn độ về Việt Nam thì sẽ không bị tử hình.
Vì vậy, nếu như chính thức luật hóa quy định về việc cam kết không áp dụng hình phạt tử hình trong dẫn độ thì phải được tiến hành thận trọng, chặt chẽ.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn để dẫn độ của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 chưa phù hợp với thực tế. Quy trình kéo dài có thể lên đến nhiều tháng, có thể khiến đối tượng tiếp tục bỏ trốn nếu không có biện pháp ngăn chặn phù hợp.