VIP000
Thạc sĩ
Cải lương Việt nhưng kể tích Tàu
Gần đây các đoàn cải lương xã hội hóa hoạt động khá rầm rộ với nhiều suất diễn. Tuy nhiên không ít các tuồng lấy tích Tàu chiếm đa số, gần như không có tuồng sử Việt hoặc các vở tâm lý xã hội.
tuoitre.vn
Tháng 7 vừa qua có hàng loạt các vở diễn cải lương lấy từ tích sử Trung Quốc như: Sóng gió Đại Minh triều, Mão Đoan Tinh giáng thế, Bao Công tra án Quách Hòe, Mộc Quế Anh dâng cây, Hoàn Châu cách cách...
Vở Hoàn Châu cách cách của Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long - Ảnh: LINH ĐOAN
Tháng 7 vừa qua có hàng loạt các vở diễn cải lương lấy từ tích sử Trung Quốc như: Sóng gió Đại Minh triều, Mão Đoan Tinh giáng thế, Bao Công tra án Quách Hòe, Mộc Quế Anh dâng cây, Hoàn Châu cách cách...
Kéo được khán giả đến rạp
Các vở diễn kể trên đa số là vở cải lương tuồng cổ. Hầu hết các suất diễn đều đạt lượng bán vé khả quan.
Còn có hiện tượng cháy vé, có vở lại tiếp tục tái diễn. Khán giả xếp hàng dài trước mỗi suất diễn khiến nhiều người thầm mừng vì sàn diễn cải lương đã có chút sinh khí. Tuy nhiên, việc các vở diễn cải lương tuồng cổ tích Tàu áp đảo khiến không ít người lo lắng.
Vợ chồng nghệ sĩ Chí Linh - Vân Hà được người trong nghề yêu quý vì xây dựng sân khấu để có cơ hội làm nghề và truyền nghề cho người trẻ. Những tuồng tích của sân khấu dàn dựng luôn được đánh giá cao vì sự chỉn chu, nghiêm túc.
Nghệ sĩ Chí Linh chia sẻ khó khăn: "Sân khấu chúng tôi luôn muốn dựng kịch bản sử Việt.
Trước đây chúng tôi đã từng làm Hòn vọng phu, Bạch Đằng giang, những vở đó anh em tham gia toàn bộ không lãnh lương. Vậy nhưng làm ra không thu lại được chi phí để tái đầu tư.
Diễn một vở cải lương tuồng cổ chi phí rất cao, một đêm tốn cả 200 triệu đồng mà khán giả không ủng hộ thì tiền đâu mà bù lỗ. Khán giả vẫn chuộng kịch bản xưa. Ngay cả với những vở diễn tuồng tích Tàu mà khán giả đông gần kín rạp, sau mỗi suất diễn chúng tôi vẫn phải bù lỗ ít nhất 5 - 10 triệu đồng".
Trước tình trạng tràn lan vở cải lương tuồng tích Tàu, soạn giả Hoàng Song Việt phân tích cải lương tuồng Tàu lợi thế là có loại nhạc Hồ Quảng, điệu bộ, trang phục đẹp đáp ứng thị hiếu.
Các kịch bản này có thể được hư cấu, tung tẩy, biến hóa tính cách nhân vật mà ít bị bắt bẻ. "Tuồng sử Việt thì người ta ngại sáng tạo vượt ra khỏi quy chuẩn, trong khi sử Việt mình có nhiều cái rất hay", ông Việt nói.
Ngay cả với những vở diễn tuồng tích Tàu mà khán giả đông gần kín rạp, sau mỗi suất diễn chúng tôi vẫn phải bù lỗ ít nhất 5 - 10 triệu đồng.
Nghệ sĩ Chí Linh
Vở Sóng gió Đại Minh triều của sân khấu Chí Linh - Vân Hà - Ảnh: LINH ĐOAN
Khơi dậy sử Việt ra sao?
Sân khấu Đại Việt của ông Hoàng Song Việt là sân khấu "dũng cảm" khi một mình dàn dựng các vở Cô đào hát, Đêm trước ngày hoàng đạo, Truyền thuyết chàng Sa Mộc... trong rừng cải lương tuồng tích Tàu. Ông nói hết sức chia sẻ với các đơn vị cải lương xã hội hóa vì họ cần phải có khán giả, có doanh thu để tái đầu tư.
Ông kể ngày xưa cố nghệ sĩ Thanh Nga từng diễn vai Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Bạch Tuyết từng diễn vai Lưu Kim Đính, Mỹ Châu từng diễn Phàn Lê Huê... "Nhưng tuồng ngày xưa liều lượng bài ca Hồ Quảng vừa phải, cải lương là chính chiếm tới 2/3.
Tôi nghĩ nếu các đơn vị chưa có điều kiện làm tuồng sử Việt thì khi làm tuồng Tàu nên cân nhắc liều lượng, đừng lạm dụng để ít ra người ta thấy đây là vở cải lương Hồ Quảng chứ không phải vở Hồ Quảng", ông Việt nói.
Ông Trần Ngọc Giàu, chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, cho biết có một thời cải lương Hồ Quảng bị hạn chế. Nghệ sĩ Thanh Tòng đã tính toán, họp với gia đình kiếm những vở lịch sử Việt Nam gần gũi hình thức cải lương tuồng cổ.
Từ đó nghệ sĩ Thanh Tòng đã sáng tạo, cải biến vượt bậc, vẫn vận dụng trình thức, vũ đạo, thể loại âm nhạc nghe rất gần âm nhạc Hồ Quảng nhưng không phải là nhạc Hồ Quảng.
Lúc đó nhạc sĩ Đức Phú (chú ruột của nghệ sĩ Thanh Tòng) sáng tác toàn bộ nhạc mới cho vở Câu thơ yên ngựa tạo nên sự thay đổi lớn.
Từ lao động nghệ thuật miệt mài, nghệ sĩ Thanh Tòng và những người trong dòng tộc cải lương tuồng cổ Minh Tơ đã cho ra đời rất nhiều vở sử Việt nổi tiếng như Câu thơ yên ngựa, Tô Hiến Thành xử án, Má hồng soi kiếm bạc...
Ông Giàu thở dài: "Chúng ta đã có một thời thay đổi và tạo được những dấu son, giờ tự nhiên xóa hết những gì anh Tòng và cộng sự tạo ra để rồi trở lại cái cũ".
Với kinh nghiệm tổ chức các vở sử Việt như Má hồng soi kiếm bạc, Rạng ngọc Côn Sơn, nghệ sĩ Kim Tử Long cho rằng khó kiếm kịch bản sử Việt hay. Anh nói: "Hai vở của tôi đều đạt được hiệu ứng khán giả.
Tuy nhiên tìm kịch bản sử Việt hay cực kỳ khó khăn. Tôi mong Hội Sân khấu có thể tìm kiếm trong các trại sáng tác kịch bản phù hợp giới thiệu cho các đơn vị xã hội hóa, để chúng tôi cân nhắc dàn dựng".
Nghệ sĩ Chí Linh cũng mong muốn Nhà nước có kế hoạch đầu tư: "Chúng tôi rất muốn làm vở sử Việt để bày tỏ niềm tự hào dân tộc. Nhưng vì điều kiện sân khấu xã hội hóa còn rất hạn chế, chỉ mong Nhà nước thấu hiểu có thể ủng hộ, đầu tư để chúng tôi có đủ sức làm những vở sử hay phục vụ công chúng".
"Không ổn"
Ông Trần Ngọc Giàu đồng tình rằng Nhà nước phải có kế hoạch đầu tư để tiếp sức các đơn vị xã hội hóa trình làng những tác phẩm sử Việt hay.
"Trong khi chờ đợi thì vẫn phải trông chờ vào ý thức của các đơn vị, nghệ sĩ. Tình trạng các vở tuồng Tàu tràn lan như hiện nay là không ổn", ông nói.