• Nhóm kín víp prồ, đỉnh của chóp 👉 xamvn

Phiên chợ tuổi thơ

xucluon102

Yếu sinh lý
Thấy hay nên đăng anh em hồi ức ( nguồn ntdvn )
Bốn mươi năm sau. Hào, em gái tôi đã trở thành một giám đốc công ty thương mại lớn. Vợ tôi (cô bé Nụ ngày xưa) hay kể lại chuyện thuở bé Hào đã ước mơ có một cái áo lương bằng lụa mà thầy Quy đã may cho Nụ. Hào nói với Nụ ngày đó cô đã mắc một lỗi lầm thật khó tha thứ…

Giống như một con cá, làng Mả Cá của tôi lọt thỏm giữa đồng chiêm trũng. Tháng Bảy, tháng Tám nước đã mênh mông bốn phía. Chỗ nào cũng chỉ thấy nước. Từ Mả Cá muốn xuống Vượt Mới, lên Rin hoặc sang Bến Đò, Chùa Cả phải đi trên những con đường bé tí tẹo, đầy cỏ may, không đủ lối cho hai con trâu tránh nhau. Mùa nước to, muốn khỏi trượt chân xuống ruộng, cứ lần theo ngọn cỏ may ngả rũ xuống mà đi…



Ấy vậy mà hôm nào bà tôi cũng phải đi. Bà đi chợ. Thúng đội đầu, tay vung vẩy. Trong thúng, hôm thì vài chục bó rau muống, mớ cá, vài nắm chè xanh hay ít tấm cám… Bà bảo tôi: “Áo mấy đứa rách hết rồi. Bà bòn để mua vải trúc bâu may cho bền”.

Khoảng tháng mười một, nước rút dần. Đồng chiêm đầy nước giờ trắng phớ màu đất bạc, nứt nẻ những vết chân chim. Cỏ may lại mọc kín cả lối đi trên những con đường nhỏ. Gió bấc đã về, thổi hun hút. Bố tôi đi cày, mẹ đi tát nước, mỗi người mang một cái áo tơi bằng lá móc già, trông cứ như là những con nhím khổng lồ biết đi. Da mặt chúng tôi nứt nẻ, xù xì màu mốc trắng. Bà xoa đầu cái Hào em tôi, vừa cười vừa nói: “Bà sắp bòn đủ rồi…”.

Con bé ngây ngô, hỏi: “Mùa này bà còn bòn rau muống vườn, hả bà? Rau chát, chả ai mua đâu, bà ạ”.

“Không, bà nói bà sắp bòn đủ tiền…”.


Tôi nhảy cẫng lên, bá lấy cổ bà: “Bà may áo cho cháu nhé…”

Bà cầm lấy tay tôi bảo: “Ừ. May cả cho em Hào nữa. Tết này cháu bà đẹp cứ gọi là nhất làng…”

Bỗng một hôm, vào sáng sớm, lúc cả nhà ngồi ăn khoai lang vùi trong than trấu chấm với muối vừng, bà cởi ruột tượng ở thắt lưng ra đếm tiền rồi bảo bố tôi: “U góp nhặt được mười hai đồng rồi. Hôm qua đi chợ Rin, u có rẽ đến chỗ chị Đào hàng vải, hỏi mới biết còn thiếu năm hào nữa thì đủ mua cho mỗi đứa một bộ. Anh chị còn đồng nào cho u vay bù vào. Qua tết, u trả”.

Mẹ tôi rơm rớm nước mắt: “Thôi, tiền ấy u để mà ăn quà. Quần áo của thằng Cu và con Hào để chúng con lo…”.

Bà nói: “Vẽ chuyện! Cứ để đấy u. Chứ hôm nọ nghe anh chị bàn cắt cái áo cũ của anh, may áo lương cho thằng Cu và con Hào, u thấy không ổn. Tết, vợ chồng cũng phải có bộ quần áo đẹp để sang nhà ông bà ngoại chứ. Ai lại…”.

Bố tôi buồn buồn, nói: “U nghĩ thế thì con phải theo. Nói có bóng đèn, lòng con chả yên chút nào”.

Bố tôi ậm ừ nói nhà chẳng còn xu nào. Lo được hơn hai mươi đồng thì đụng đùi lợn hết hơn mười đồng, sáu đồng mua gạo nếp gói bánh chưng, năm đồng góp giỗ bên bác trưởng. Tiền đèn nhang chưa có, đang định bán mấy con ngan…

Bà tôi lặng lẽ nhìn lên trần nhà. Rồi bà tặc lưỡi: “Thôi, để u đập ống. Có dễ cũng được vài đồng…”

Bà chống tay xuống chiếu, lọm khọm đứng dậy, vào buồng lấy ra một cái ống nứa. Giữa hai đầu mắt ống, bố tôi cưa một vết chéo, đủ để tạo thành một khe hẹp nhét được những đồng tiền kẽm lẻ. Tôi lấy con dao để bà bổ ống. Bao nhiêu là xu xòe ra, trắng một góc chiếu. Mỗi ngày năm xu mà cũng được đến hơn mười lăm đồng. Một món tiền to. To quá! Bà xuýt xoa: “Bà định dành cho thằng Cu lấy vợ. Giờ túng thế này, thôi đành…”.

Bà bảo bố tôi: “Sáng mai phiên chợ Rin, u định dẫn hai đứa đi chợ. Còn tiền, u mua cho mỗi đứa một đôi guốc”.

Bố tôi gật đầu. Mẹ tôi đưa cơi trầu cho bà: “Rét quá, u ăn một miếng cho ấm”.



Tối hôm ấy, tôi và cái Hào không ngủ được. Thi thoảng nó lại bảo: “Anh ơi, vải trúc bâu có đẹp bằng vải lụa may áo lương của cái Nụ không?”, “Anh ơi, em thích áo lụa cơ”, “À mà anh này, cái guốc sơn đỏ, có vẽ hoa như của cái Nụ con ông giáo Quy có phải không. Đi sạch chân lắm, anh nhỉ!”…

Sáng dậy, bà gọi mãi cái Hào cũng không thưa. Đầu nó nóng hầm hập. “Thôi, u cho thằng Cu đi thôi. Con bé ấm đầu để con gọi bác Thụ đến tiêm…”, mẹ tôi nói.

Bà tôi đã định không đi chợ nữa. Bà không nỡ. Tôi mè nheo một lúc, bà đành phải chiều. Bởi tôi mà khóc to nữa, cái Hào sẽ tỉnh giấc, đòi đi nữa thì chết. Bà chép miệng, đội thúng lên đầu. Cái Hào mở mắt he hé nhìn hai bà cháu, miệng nó ú ớ, ú ớ. Cứ như là sắp chết không bằng…

Đến gần chợ, hai bà cháu ngồi gỡ cỏ may. Tôi vụng về thế nào, ống quần vải đã mục, rách toạc theo ống. Bà bảo lấy dây chuối túm lại. Chịu khó vài hôm nữa là có quần áo mới diện tết.

Bà dẫn tôi đi dạo một vòng chợ. Chợ Tết có khác. Những đống cam vàng sậm chất ngất. Những quả thanh yên, phật thủ tôi chỉ thấy trong tranh giờ mới biết. Hàng vải đủ màu sắc trông lóa cả mắt. Giày dép, guốc sơn, guốc mộc xếp thành đụn…

Hai bà cháu vòng qua cái bàn gấp của bác nặn các con giống bằng bột màu xanh đỏ. Tôi cứ nghển cổ nhìn những con lợn có xoáy âm dương, con gà mào đỏ đang vươn cổ gáy… Bà nói quay về hàng vải kẻo muộn và lôi tôi đi.

Tới một hàng vải, bà bảo: “Đây là hàng cô Đào. Cũng người Mả Cá ta cả. Lấy chồng chợ Rin, mở hàng vải, ta mua cho cô ấy lấy may”.

Cô Đào khen tôi nhanh nhẹn, nói tôi mặc quần áo trúc bâu hồ cứng thì đẹp nhất làng. Tôi xấu hổ, mặt nóng ran, tay mân mê cái ống quần rách…

Bà cởi ruột tượng, nắn nắn mãi… Mặt bà tự nhiên tái nhợt kêu lên: “Cu ơi! Sao lại thế này…”.

Bà dốc cái ruột tượng bằng nái vàng lên. Từ trong đó rơi ra năm đồng tiền năm xu… “Mất cả. Mất cả rồi… Đứa nào…”.

Bà nghẹn ngào không nói thành lời. Bà bảo cô Đào: “Có khi bác để quên ở đầu giường… Thôi để phiên tới…”

Bà chỉ còn đủ tiền mua một tấm bánh đa cho cái Hào. Còn một ít, mua cho bố tôi gói thuốc lào, và tôi thì được bà cho một con lợn và một con gà bằng bột. Bác bán con giống bột bảo quý tôi nên bớt cho hai xu…

Về đến ngõ, tôi đã thấy cái Hào đang đánh chuyền với cái Nụ con ông giáo Quy. Bà không nói mà đưa cho nó cái bánh đa, bảo nó chia cho tôi và cái Nụ mỗi đứa một ít.

Bà đặt cái thúng xuống, chạy tọt vào buồng. Bà lật cái gối bằng mây có phủ một cái khăn mỏ quạ lên. Bọc tiền giấy gói bằng dây chuối vẫn còn nguyên vẹn. Chỉ có cọc tiền xu xâu bằng một sợi dây đay khác. Bà mỉm cười…

Phiên chợ sau đúng là phiên chợ Tết. Tôi và cái Hào lúc về tới ngõ, bắt bà bỏ thúng xuống, lấy guốc xỏ vào chân chạy lộp cộp vào nhà. Cái quai da trâu còn cứng làm chân hơi đau đau. Nhưng mà thích thích thế nào. Mẹ tôi nhìn ba bà cháu, ứa nước mắt…
Bốn mươi năm sau.

Hào, em gái tôi đã trở thành một giám đốc công ty thương mại lớn. Vợ tôi (cô bé Nụ ngày xưa) hay kể lại chuyện thuở bé Hào đã ước mơ có một cái áo lương bằng lụa mà thầy Quy đã may cho Nụ. Hào nói với Nụ ngày đó cô đã mắc một lỗi lầm thật khó tha thứ… Riêng tôi, tôi thực sự thấy làm lạ khi thấy vợ chồng Hào biếu tôi bất cứ cái gì, em tôi đều gói buộc bằng một thứ dây rất khó kiếm ở thành phố, mặc dù lắm lúc nó chẳng tương xứng với những vật rất quý: dây chuối…

Một lần, em tôi bị ốm nặng, phải nằm bệnh viện. Tôi đến thăm. Em tôi vừa cắt một cơn sốt nguy hiểm. Tôi ngồi ở bên cạnh, sờ lên trán em. Hào bỗng mở mắt và hỏi: “Bác có thấy trán em nóng như sáng ngày xưa bà và bác đi chợ không”.

Tôi hiểu ra, cười: “Bây giờ thì nóng thật”.

Hào nói: “Ngày đó trán em cũng nóng chứ”.

“Nhưng sau lúc ấy, làm sao cô lại ra đánh chuyền với nhà tôi được. Còn nhớ không?”.

“Em nhớ. Em nhớ chứ! Lúc đêm, lấy tiền của bà xong, em cứ nghĩ cảnh bác và bà sững sờ ở chợ, em sợ quá… Sợ phát ốm! Lúc bà và bác đi rồi, thấy bố hỏi mẹ có còn dây chuối để buộc áo tơi không, em muốn khóc lên. Em chạy vào buồng, đặt tiền xuống dưới gối bà. Tiền xu buộc dây chuối mục, rơi ra tung tóe… Em lấy một sợi dây đay xâu lại. Không biết bà có biết không…”


Tôi khẳng định với em tôi là chính mắt tôi trông thấy bà đã cười khi cầm chuỗi tiền xu lên đếm và ngắm nghía… Nghe tôi nói, em tôi cười. Ít ngày sau, cô ấy khỏi bệnh.

Hôm mới rồi, vợ chồng Hào đến góp giỗ. Lúc ra về, em tôi gọi tôi ra một chỗ, dặn đi dặn lại: “Bác nhớ nhắc bác gái mua mấy bộ quần áo lương gửi xuống cho bà. Em nhớ lúc bà mất, bố mặc cho bà cái áo lương màu nâu đã bạc… Lúc ấy, hình như bố khóc, bác ạ”.
 
Bên trên