VIP000
Thạc sĩ
Người tiêu dùng thắt chặt hầu bao khi sắm Tết
Giỏ hàng của chị Bình sau 3 tiếng miệt mài tại siêu thị chất đầy bánh mứt, kẹo, bún, miến, thịt, rau, trong khi bia, rượu đã được cắt giảm.
vnexpress.net
Chị Bình, 37 tuổi, sống tại Hà Nội cho biết quyết định không biếu rượu trong giỏ quà Tết năm nay mà bổ sung thêm một ít bánh mứt sản xuất trong nước.
"Hàng nội địa nhưng nếu khéo chọn các loại đặc sản vẫn đảm bảo tiêu chí ngon, bổ rẻ", chị nói. Theo chị, tiêu chí mua sắm bây giờ là "không bày vẽ, cắt giảm được gì tốt ví tiền thứ đấy".
Ghi nhận của VnExpress cũng cho thấy xu hướng mua sắm năm nay được nhìn nhận là tiết kiệm, chỉ tập trung vào hàng hóa thiết yếu, giá trị đơn hàng giảm mạnh so với các năm trước.
"Nếu mọi năm, giỏ quà, set tự chọn phổ biến ở mức giá 700.000-800.000 đồng thì giờ chỉ còn 400.000-600.000 đồng", bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Central Retail cho biết.
Tương tự, WinCommerce cũng cho rằng khách hàng hiện chuộng mua bánh kẹo, đồ uống, các sản phẩm vệ sinh nhà cửa - tức những hàng hóa liên quan trực tiếp, không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán. Với nhóm thực phẩm tươi sống, đông lạnh, khách hàng mua nhiều trái cây, dòng sản phẩm ăn lẩu như thịt heo, nấm, đậu.
Ngoài ra, để tiết kiệm hơn, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên mua hàng vào những ngày mà các hệ thống siêu thị có khuyến mại, tích điểm. "Người dân thường đến đông vào 5 và 20 hàng tháng vì đó là ngày hội thành viên AEON tích điểm và ưu đãi giảm giá", phía AEON nói.
Đơn vị này cũng chia sẻ rằng giá trị đơn hàng gần đây giảm bởi kinh tế khó khăn, khách mua sắm tiết kiệm hơn, chỉ ưu tiên mặt hàng nhu yếu phẩm, các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
Theo đó, các sản phẩm nội y, các mặt hàng mẹ và bé, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp vẫn bán được. Vì đây là những sản phẩm cần thiết, dù tiết kiệm, khách hàng vẫn cần mua cho nhu cầu trong cuộc sống.
Người dân Hà Nội đi mua sắm tại hệ thống siêu thị AEON Mall Hà Đông chiều tối 3/2. Ảnh: Anh Tú
Tuy giá trị đơn hàng giảm, sức mua hiện đã có sự cải thiện đáng kể khi tăng khoảng 10% so với những ngày thường.
Tranh thủ hai ngày cuối tuần rồi, chị Bình rủ chồng đi sắm Tết. "Sát Tết, việc công ty lẫn việc nhà dồn ứ khiến tôi đến giờ này mới có thời gian mua sắm", chị nói.
Ngoài ra, chị cũng muốn chắc chắn về khoản thưởng của cả hai để phân bố các khoản chi, tránh thiếu trước hụt sau. "Năm nay kinh tế khó khăn, khắp nơi toàn tin giảm, thậm chí cắt cả thưởng nên cứ có tiền trong tay mới tính toán được", chị chia sẻ.
Thực tế, khảo sát tại các hệ thống bán lẻ ở Hà Nội, TP HCM trong hai ngày cuối tuần 3-4/2 cho thấy lượng khách mua sắm cho Tết Giáp Thìn tăng mạnh. Siêu thị Co.op Xtra (khu SC Vivo City, quận 7, TP HCM) dù hơn 21h, quầy thanh toán vẫn quá tải, khách hàng phải đợi hơn 20 phút mới đến lượt. Chủ yếu các gia đình ghé đây mua đồ phục vụ ngày Tết như thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát và bia.
Các siêu thị Lotte, Winmart, Big C, AEON của hai miền cũng ghi nhận tình trạng tấp nập mua sắm. Khu vực để xe, lối vào, quầy thanh toán luôn trong trạng thái quá tải.
Đại diện WinCommerce, đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Winmart và chuỗi cửa hàng Winmart+, cho biết thời gian gần đây, lượng khách mua sắm tại các điểm bán vượt hẳn ngày thường. "Nhu cầu mua sắm được dự kiến tăng cao từ giờ đến sát Tết Nguyên đán", người này nói.
Trước dấu hiệu sức mua tăng, bà Nguyễn Thị Ngọc Thúy - CEO Kingfoodmart (chuỗi hơn 50 siêu thị tại TP HCM) - nói đơn vị này đã chuẩn bị tổng giá trị nguồn hàng khoảng 300 tỷ đồng cho hai tháng đầu năm, tăng 150% so với ngày thường.
Phía Saigon Co.op và AEON đều ước lượng, sức mua đang tăng 10% so với năm ngoái. "Từ đầu tháng Chạp đã có dấu hiệu khởi sắc, sức mua tăng dần qua các tuần và tiếp tục tăng nhanh sau Rằm tháng Giêng", đại diện AEON chia sẻ.
Chị Liên Nguyễn, Đại diện Đặc sản Thu Dương, đại lý đang phân phối khoảng 10 thương hiệu thực phẩm tại TP HCM, cũng cho biết người tiêu dùng năm nay sắm Tết muộn hơn thông lệ.
"Hàng năm, từ đầu tháng Chạp là khách bắt đầu mua sắm. Nhưng Tết này, 2-3 tuần trước mọi người vẫn chưa mạnh tay, chỉ mới sôi nổi khoảng chục ngày gần đây", chị cho biết. Hiện các sản phẩm làm từ mật hoa dừa tại cửa hàng có sức mua tăng 30-40% so với ngày thường.
Nguyên nhân theo chị Liên là ban đầu đa số người dân muốn hạn chế chi tiêu sau một năm kinh tế có phần ảm đạm, nhưng càng cận Tết, họ cũng quyết định sắm sửa vì phong tục chuẩn bị Tết đã là truyền thống.
Dành cả buổi tối Chủ nhật mua sắm tại AEON Mall Hà Đông, chị Quỳnh, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, nói đây là lần thứ 2 trong tháng chị đi sắm Tết. "Phải chờ đợi, chen chúc, nhưng cận Tết, các đợt khuyến mãi nhiều, sâu hơn. Đi mua sắm lúc này cũng có không khí nhộn nhịp", chị kể. Chị cũng cho biết, bản thân phân bổ việc mua sắm ra làm nhiều lần, cả trực tiếp lẫn gián tiếp qua các nền tảng điện tử. "Mua sắm online thường được áp mã giảm giá nên tôi cũng tiết kiệm được thêm một khoản", chị nói.
Thực tế, doanh nghiệp bán lẻ cho biết xu hướng sắm Tết trực tuyến có chiều hướng tích cực trong dịp này. Theo đại diện Saigon Co.op, hàng hóa online tăng trưởng tốt trên hai con số. Do đó, kết hợp với các hoạt động kích cầu, khuyến mại, hệ thống siêu thị này kỳ vọng sức mua có thể tăng 20-30% khi kết thúc đợt bán cao điểm.