Khủng hoảng Biển Đỏ gây nút thắt cho huyết mạch hàng hải, làm tăng chi phí vận chuyển và giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, theo Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao.
"Lĩnh vực hàng hải giờ đây phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, các mối đe dọa đến lưu thông hàng hải, cướp biển, tội phạm, khủng bố và suy thoái môi trường", ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 12 ngày 15/3 tại TP HCM.
Trong bối cảnh đó, những tuyến đường huyết mạch và nút thắt hàng hải quan trọng của thế giới có nguy cơ trở thành mục tiêu địa chính trị, mà điển hình là những hỗn loạn đang diễn ra trên Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi ở Yemen đang tăng cường tập kích tàu hàng đi qua để gây sức ép buộc Israel ngừng chiến dịch tấn công Hamas tại Dải Gaza.
Theo ông Vũ, dù ở xa Biển Đỏ, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến động ở khu vực này, khi các cuộc tập kích liên tiếp của lực lượng Houthi đã khiến một số tàu hàng trúng tên lửa, nhiều phương tiện khác phải chuyển sang lộ trình xa hơn, đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi để tránh rủi ro tại Biển Đỏ.
"Khó khăn về vận chuyển hàng hải đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và gây ra đình trệ trong chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đã chịu thương vong đầu tiên trong các cuộc tấn công của Houthi" trên vùng biển này, ông Vũ nói.
Tàu True Confidence với thủy thủ đoàn 20 người, trong đó có 4 công dân Việt Nam, ngày 6/3 bị Houthi tập kích trên hành trình từ Trung Quốc đến Arab Saudi, khiến 4 người chết. Đại phó Đặng Duy Kiên, 41 tuổi, quê Hải Phòng, là công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ tấn công.
Tên lửa của Houthi hôm 18/2 cũng đánh trúng tàu hàng Rubymar của Anh. Toàn bộ thủy thủ được sơ tán an toàn, nhưng Rubymar bị chìm đêm 1/3, trở thành con tàu đầu tiên bị hỏa lực Houthi đánh đắm ở Biển Đỏ.
Tàu hàng Rubymar của Anh chìm ngoài khơi Yemen sau đòn tập kích của Houthi. Ảnh: AFP
Sau các vụ tập kích, rất ít tàu hàng muốn tiếp tục đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, theo công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward. Liên đoàn Người lao động Vận tải Quốc tế (ITF) hôm 7/3 ra tuyên bố kêu gọi toàn bộ tàu hàng chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, với lý do "thời gian giao hàng không đáng giá bằng mạng sống các thủy thủ".
Rủi ro lớn từ các vụ tấn công của Houthi đã dẫn đến phí bảo hiểm cao hơn và chi phí năng lượng cho vận tải biển cũng cao hơn. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến Bờ Đông nước Mỹ tăng từ 2.600 USD mỗi container vào tháng 12/2023 lên 4.100-4.500 USD vào tháng 1 năm nay, tương đương mức tăng 58-73%. Giá cước vận chuyển từ Việt Nam đi Hamburg, Đức tăng gấp ba lần.
"Đây là ví dụ điển hình cho thấy sự gián đoạn tại một hành lang hàng hải lớn có thể gây ra hậu quả toàn cầu", ông Vũ cảnh báo về tác động của căng thẳng địa chính trị hiện nay đối với thương mại và phát triển quốc tế.
Theo ông, những trạng thái "thù địch, cạnh tranh địa chính trị và sự phân tách" trong quan hệ quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn từ lâu dựa vào nền tảng thương mại thông suốt và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Tàu True Confidence bốc cháy sau khi bị Houthi tập kích. Ảnh: Reuters
Khoảng 30% container toàn cầu đi qua kênh đào Suez đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Chi phí hàng hải trên một số tuyến, đặc biệt là từ châu Á đến châu Âu, tăng gần gấp năm lần.
JP Morgan Research ước tính sự gián đoạn có thể làm tăng lạm phát hàng hóa cơ bản toàn cầu 0,7 điểm phần trăm và lạm phát cơ bản tăng 0,3 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2024.
Theo Pradeep Chauhan, cựu phó đô đốc hải quân Ấn Độ và hiện là chuyên gia thuộc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, những gì đang xảy ra trên Biển Đỏ cũng là bài học lớn với khu vực Đông Nam Á, nơi có tuyến hàng hải trọng yếu đi qua Biển Đông.
"Bất kỳ diễn biến nào trên Biển Đỏ hay tại Ukraine đều sẽ gây ra tác động sâu sắc đến các nước Đông Nam Á", ông nói.
Dù vậy, ông Nguyễn Minh Vũ cũng bày tỏ lạc quan rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến tăng trưởng kinh tế to lớn.
Khu vực này có 7 trên 10 cảng lớn nhất thế giới và giàu tiềm năng phát triển cảng, được xem là trung tâm toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được kết nối chặt chẽ bởi mạng lưới cáp ngầm dày đặc, là xương sống cho kết nối viễn thông và Internet.
"Nếu được quản lý đúng cách, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được kết nối nhiều hơn và thịnh vượng hơn. Nếu không, các vùng biển khu vực sẽ rơi vào tình trạng manh mún, chia cắt, làm xói mòn mọi tiềm năng kinh tế, như đã từng xảy ra ở Biển Đỏ và Biển Đen", nơi xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, ông Vũ nói.
"Lĩnh vực hàng hải giờ đây phải đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, các mối đe dọa đến lưu thông hàng hải, cướp biển, tội phạm, khủng bố và suy thoái môi trường", ông Nguyễn Minh Vũ, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, phát biểu tại Đối thoại Biển lần thứ 12 ngày 15/3 tại TP HCM.
Trong bối cảnh đó, những tuyến đường huyết mạch và nút thắt hàng hải quan trọng của thế giới có nguy cơ trở thành mục tiêu địa chính trị, mà điển hình là những hỗn loạn đang diễn ra trên Biển Đỏ, nơi lực lượng Houthi ở Yemen đang tăng cường tập kích tàu hàng đi qua để gây sức ép buộc Israel ngừng chiến dịch tấn công Hamas tại Dải Gaza.
Theo ông Vũ, dù ở xa Biển Đỏ, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến động ở khu vực này, khi các cuộc tập kích liên tiếp của lực lượng Houthi đã khiến một số tàu hàng trúng tên lửa, nhiều phương tiện khác phải chuyển sang lộ trình xa hơn, đi vòng qua mũi Hảo Vọng ở châu Phi để tránh rủi ro tại Biển Đỏ.
"Khó khăn về vận chuyển hàng hải đã làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam và gây ra đình trệ trong chuỗi cung ứng. Việt Nam cũng đã chịu thương vong đầu tiên trong các cuộc tấn công của Houthi" trên vùng biển này, ông Vũ nói.
Tàu True Confidence với thủy thủ đoàn 20 người, trong đó có 4 công dân Việt Nam, ngày 6/3 bị Houthi tập kích trên hành trình từ Trung Quốc đến Arab Saudi, khiến 4 người chết. Đại phó Đặng Duy Kiên, 41 tuổi, quê Hải Phòng, là công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ tấn công.
Tên lửa của Houthi hôm 18/2 cũng đánh trúng tàu hàng Rubymar của Anh. Toàn bộ thủy thủ được sơ tán an toàn, nhưng Rubymar bị chìm đêm 1/3, trở thành con tàu đầu tiên bị hỏa lực Houthi đánh đắm ở Biển Đỏ.
Tàu hàng Rubymar của Anh chìm ngoài khơi Yemen sau đòn tập kích của Houthi. Ảnh: AFP
Sau các vụ tập kích, rất ít tàu hàng muốn tiếp tục đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, theo công ty phân tích rủi ro hàng hải Windward. Liên đoàn Người lao động Vận tải Quốc tế (ITF) hôm 7/3 ra tuyên bố kêu gọi toàn bộ tàu hàng chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi, với lý do "thời gian giao hàng không đáng giá bằng mạng sống các thủy thủ".
Rủi ro lớn từ các vụ tấn công của Houthi đã dẫn đến phí bảo hiểm cao hơn và chi phí năng lượng cho vận tải biển cũng cao hơn. Theo Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước vận chuyển từ Việt Nam đến Bờ Đông nước Mỹ tăng từ 2.600 USD mỗi container vào tháng 12/2023 lên 4.100-4.500 USD vào tháng 1 năm nay, tương đương mức tăng 58-73%. Giá cước vận chuyển từ Việt Nam đi Hamburg, Đức tăng gấp ba lần.
"Đây là ví dụ điển hình cho thấy sự gián đoạn tại một hành lang hàng hải lớn có thể gây ra hậu quả toàn cầu", ông Vũ cảnh báo về tác động của căng thẳng địa chính trị hiện nay đối với thương mại và phát triển quốc tế.
Theo ông, những trạng thái "thù địch, cạnh tranh địa chính trị và sự phân tách" trong quan hệ quốc tế hiện nay đặt ra nhiều thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, vốn từ lâu dựa vào nền tảng thương mại thông suốt và sự phụ thuộc lẫn nhau.
Tàu True Confidence bốc cháy sau khi bị Houthi tập kích. Ảnh: Reuters
Khoảng 30% container toàn cầu đi qua kênh đào Suez đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Chi phí hàng hải trên một số tuyến, đặc biệt là từ châu Á đến châu Âu, tăng gần gấp năm lần.
JP Morgan Research ước tính sự gián đoạn có thể làm tăng lạm phát hàng hóa cơ bản toàn cầu 0,7 điểm phần trăm và lạm phát cơ bản tăng 0,3 điểm phần trăm trong nửa đầu năm 2024.
Theo Pradeep Chauhan, cựu phó đô đốc hải quân Ấn Độ và hiện là chuyên gia thuộc Quỹ Hàng hải Quốc gia Ấn Độ, những gì đang xảy ra trên Biển Đỏ cũng là bài học lớn với khu vực Đông Nam Á, nơi có tuyến hàng hải trọng yếu đi qua Biển Đông.
"Bất kỳ diễn biến nào trên Biển Đỏ hay tại Ukraine đều sẽ gây ra tác động sâu sắc đến các nước Đông Nam Á", ông nói.
Dù vậy, ông Nguyễn Minh Vũ cũng bày tỏ lạc quan rằng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tiềm năng to lớn về kết nối hàng hải, hứa hẹn đem đến tăng trưởng kinh tế to lớn.
Khu vực này có 7 trên 10 cảng lớn nhất thế giới và giàu tiềm năng phát triển cảng, được xem là trung tâm toàn cầu về tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghệ. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được kết nối chặt chẽ bởi mạng lưới cáp ngầm dày đặc, là xương sống cho kết nối viễn thông và Internet.
"Nếu được quản lý đúng cách, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ được kết nối nhiều hơn và thịnh vượng hơn. Nếu không, các vùng biển khu vực sẽ rơi vào tình trạng manh mún, chia cắt, làm xói mòn mọi tiềm năng kinh tế, như đã từng xảy ra ở Biển Đỏ và Biển Đen", nơi xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra, ông Vũ nói.