Mỗi công dân Thái Lan trưởng thành sẽ được phát 10.000 baht (275 USD) để chi tiêu cho một số lĩnh vực nhất định từ quý 4-2024.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin khẳng định chương trình phát tiền cho người dân là mấu chốt để vực dậy nền kinh tế nước này - Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Bloomberg, ngày 10-4, hội đồng đặc biệt phụ trách chương trình ví tiền điện tử của Thái Lan đã thông qua phương án cấp vốn cho chương trình này. Đích thân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin là lãnh đạo hội đồng.
Theo kế hoạch chi tiết vừa được công bố, 50 triệu công dân Thái Lan trưởng thành, mỗi người sẽ nhận 10.000 baht (275 USD) để kích thích nền kinh tế từ quý 4-2024.
Thái Lan phát tiền cho 50 triệu công dân để kích thích kinh tế
Tổng vốn của chương trình phát tiền này lên đến gần 14 tỉ USD, tương đương 2,9% GDP Thái Lan. Trong đó, 327,7 tỉ baht (9 tỉ USD) sẽ được trích từ ngân sách năm tài khoán 2024 và 2025, theo thư ký thường trực Bộ Tài chính Thái Lan Lavaron Sangsnit.
172,3 tỉ baht (4,73 tỉ USD) còn lại sẽ trích từ quỹ của Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác nông thôn. Chính ngân hàng quốc doanh này sẽ trao tiền trực tiếp cho 17 triệu nông dân Thái Lan.
Phương án cấp vốn này thay thế cho đề xuất vay một lần 500 tỉ baht từng được Chính phủ Thái Lan đề xuất với Quốc hội.
Kế hoạch trao tiền cho người dân là một trong những chương trình mũi nhọn được Đảng Pheu Thai - đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền ở Thái Lan - hứa hẹn với người dân nước này trong giai đoạn vận động tranh cử.Đảng này khẳng định đây không phải là chương trình hỗ trợ tiền cho người dân nghèo. Thay vào đó, chương trình này nhằm bơm tiền vào nền kinh tế để kích thích sự phát triển của cả nước.
Người dân Thái Lan sẽ nhận tiền qua nền tảng ví điện tử và chỉ được tiêu chúng cho một số hàng hóa, dịch vụ cụ thể và trong một thời gian nhất định. Số tiền này không được phép sử dụng để mua đồ uống có cồn, thuốc lá, nhiên liệu và hàng hóa trực tuyến.
Bộ Tài chính Thái Lan ước lượng kế hoạch này sẽ tăng GDP của Thái Lan lên khoảng 1,2% đến 1,8%, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2025 tăng lên mức gần 5%.
"Chính phủ xem việc kích thích nền kinh tế thông qua việc bơm tiền bằng chương trình ví điện tử là rất cần thiết. Nền kinh tế Thái Lan đang đối đầu thách thức cả trong và ngoài nước, bao gồm các vấn đề địa chính trị và sự phục hồi thu nhập người dân không đồng đều sau COVID-19", Bộ Tài chính Thái Lan, nơi ông Thavisin đang kiêm nhiệm bộ trưởng, tuyên bố.
Đích thân thủ tướng Thái Lan cũng khẳng định việc bơm tiền là "cực kỳ cần thiết" để đưa nền kinh tế Thái Lan thoát khỏi một thập kỷ với tốc độ phát triển kinh tế dưới 2%.
Tuy nhiên, kế hoạch trên đã bị các đảng phái đối lập và một số chuyên gia ngân hàng trung ương phản đối kịch liệt. Phe này cho rằng "tiền dễ" có thể thổi bùng lạm phát và làm leo thang nợ công của nước này.