Chính xác tâm là gốc rễ của mọi vấn đề, tâm chi phối mọi hành động của mày, tạo nghiệp thiện hay ác cũng từ tâm mà ra. Một người có hành động thiện thì trước đó họ đã có tác ý tâm thiện rồi, dù chỉ trong nháy mắt. Với những người không biết gì về Phật Pháp, không nghe nói đến nhân quả bao giờ, nhưng bản tính lại rất tốt, luôn giúp đỡ người khác, sống hiền thiện, bố thí nhiều... thì dù họ ko bao giờ nghĩ đến làm thiện thì sẽ nhận quả gì, mà chỉ làm thiện vì họ muốn làm, đó là bản năng của họ, thì luật nhân quả trong vũ trụ vẫn sẽ vận hành như bình thường để họ nhận được quả là đời sống an lành, sau khi chết có thể tái sinh vào cõi lành hưởng phước (tất nhiên là cần đủ duyên nữa mày nhé, vì có trường hợp ở hiền mà không gặp lành, là do duyên xấu đang đến khiến họ nhận quả khổ từ nhân ác đã gieo trong quá khứ). Tuy nhiên, cứ thế họ mãi quay cuồng trong luân hồi, lúc làm trời, lúc làm người, lúc làm ma chẳng hạn. Hơn nữa, đấy là nói trường hợp hoàn hảo, còn đã là một con người ai cũng có tâm ác và tâm thiện. Trong Vi diệu pháp nói con người có 12 tâm ác và 8 tâm thiện, nên 1 người sinh ra chắc chắn là ác nhiều hơn thiện, chỉ là cái ác nó sâu thẳm bên trong, chưa có điều kiện hoặc hoàn cảnh để nó bộc lộ ra.
Còn tu tâm hướng đến Niết Bàn thì là con đường xả bỏ cả cái ác và cả cái thiện. Tâm nghĩ ác dẫn đến hành động ác thì mày sẽ đọa cảnh khổ. Tâm nghĩ thiện dẫn đến hành động thiện thì mày đi lên trời (cụ thể là 1 trong 6 cõi trời dục giới dành cho người tốt, hành thiện nhiều, hoặc nếu mày chứng 1 trong 4 tầng thiền sắc giới thì sau khi chết mày tái sinh vào 16 cõi trời sắc giới, hoặc nếu chứng 4 tầng thiền vô sắc thì sau khi chết mày tái sinh vào 4 cõi trời vô sắc giới). Nhưng sống ở cảnh khổ hay cảnh sướng thì cũng đều có thời hạn cả, mày ko ở địa ngục mãi, cũng như không sống trên trời mãi. Cứ luân hồi 6 nẻo đường trong vô lượng kiếp, tùy theo nhân đã gieo và tùy theo duyên nào tới. Do đó, nếu mày sớm hiểu luân hồi là khổ thì mày sẽ tìm cách tu tâm để thoát khỏi vòng luân hồi đó.
Thiền tuệ quán tứ niệm xứ Thân, Thọ, Tâm, Pháp để thấy được mọi thứ trong vũ trụ này đều có khổ, vô thường, vô ngã. Thực chứng được 3 đặc tính này của mọi thứ là mày đã giác ngộ. Ví dụ quán thân, mày thấy được có thân là khổ, thân phải sinh ra, phải sống, phải ốm đau bệnh tật, phải chết. Mày thấy được thân vô thường vì nó thay đổi không phải hàng tháng, hàng năm mà là thay đổi trong từng sát na, tức là trong 1 nháy mắt nó thay đổi, sinh diệt hàng tỷ tỷ tỷ... Điều này mày có thể hiểu đơn thuẩn theo khoa học chứng minh là hàng ngày có nhiều tế bào cơ thể mày sinh ra, và nhiều tế bào cũng chết đi. Đức Phật đã thực chứng được trước cả khi khoa học hiện đại phát hiện ra điều đó. Tiếp theo, mày sẽ thấy thân là vô ngã, thân chỉ hợp lại bởi tứ đại là đất nước gió lửa, được điều khiển bởi tâm là thọ tưởng hành thức, mọi thứ chỉ là nhân duyên kết hợp, nhân duyên tạo nên con người mày, quyết định mày là gái hay trai, sinh ra trong gia đình nào, đất nước nào, sống trong hoàn cảnh nào... do đó không có một bản ngã cái tôi nào trong mày cả. Mày chỉ là tứ đại, do duyên sinh ra và sẽ do duyên diệt đi. Đấy là nói dưới dạng chữ nghĩa, còn khi mày tu thiền tuệ mà trải nghiệm thực tế được những điều đó bằng trí tuệ của mày thì lúc đó mày giác ngộ. Quán cảm thọ, quán tâm, hay quán pháp gì cũng như thế, cần thấy rõ được tất cả đều khổ, vô thường, vô ngã. Hiện nay trên thế giới cũng có nhiều trường phái thiền tuệ, vị thiền sư nào mạnh về cái gì họ sẽ dạy cái đó, có người giỏi quán thân họ dạy quán thân, có người giỏi quán thọ họ dạy quán thọ... Đấy chính là nói để lên núi có nhiều đường là như vậy.
Tâm của Đức Phật, hay tâm của các vị giác ngộ A la hán không có tác ý như tâm người bình thường. Một người sẽ khởi tác ý tâm thiện hoặc tác ý tâm ác, từ đó dẫn đến nẻo thiện hoặc nẻo ác. Còn tâm các vị Phật hay các vị A la hán thì không khởi tác ý. Mọi ý họ nghĩ chỉ là nghĩ, mọi lời họ nói chỉ là nói, mọi việc họ làm chỉ là làm, kiểu như hòa nhập vào vũ trụ, thuận theo vũ trụ. Tao nói thêm chút là những người giác ngộ thì gọi là A la hán, Đức Phật cũng là 1 vị A la hán, nhưng vì Đức Phật tự tìm ra con đường giác ngộ, nên ngài là Phật chánh đẳng chánh giác, tiếng Anh gọi là Buddha (bậc giác ngộ) tiếng Việt gọi là Bụt, còn những người học theo ngài và cũng giác ngộ theo thì chỉ gọi là A la hán thôi.
Niết Bàn là trạng thái của tâm khi không còn khổ đau. Có thể hòa nhập vào vũ trụ, trở về nguồn cội nào đấy, nhưng cụ thể như thế nào thì tao không rõ, Đức Phật cũng không nói đến đâu mày. Chỉ là bậc giác ngộ sau khi chết thì thân không còn, tâm không còn, không còn gì cả, mọi thứ sau đó diễn biến thế nào thì tao chịu. Không có cái gì gọi là ý thức riêng, hay ý chí của Đức Phật cả, ngài nhập Niết Bàn rồi, không còn xuất hiện lại nữa đâu, dù là bất kỳ hình thức nào. Những gì còn lại chỉ là kinh sách ghi lại lịch sử và đường lối tu tập thôi. Và ngay cả kinh sách giáo lý đạo Phật cũng chỉ tồn tại khoảng 5000 năm sau khi Đức Phật qua đời, hiện tại là năm thứ 2567 rồi. Sau đó, sẽ không còn cái gọi là đạo Phật như hiện nay nữa. Và đến một khoảng thời gian sẽ lại có một vị Phật toàn giác khác xuất hiện và dạy chúng sinh con đường thoát khổ. Nhưng lâu lắm mày ơi.
Trong kinh có ghi chép trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có hai mươi mấy vị Phật quá khứ nữa, tức là những người tự tu tập tìm ra con đường giác ngộ mà không cần người khác chỉ dạy. Còn mấy vị Phật như Phật A Di Đà gì đó là sản phẩm tưởng tượng sau khi Phật Giáo du nhập sang Trung Quốc thôi mày nhé, kinh gốc đạo Phật không có đâu.