VIP000
Thạc sĩ
Thủ tướng: Quyết tâm đến năm 2025 có trên 3.000km cao tốc đưa vào khai thác
Tại buổi khởi công, các địa phương quyết tâm sẽ thi công hoàn thành cơ bản tuyến vành đai 3 TP.HCM dài 76km vào năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
tuoitre.vn
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: CHÂU TUẤN
Sáng 18-6, UBND TP.HCM, UBND các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi công dự án đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.
Đến dự buổi lễ có Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo trung ương, bộ ngành, các địa phương...
Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại TP.HCM (khởi công vành đai 3) với các điểm cầu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu) và Đắk Lắk (khởi công cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột).
Đang phát
Khởi công 3 dự án quan trọng, đến năm 2025 có 3.000km cao tốc đưa vào sử dụng
Mục tiêu là năm 2030 phấn đấu đạt ít nhất 5.000km cao tốc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói hôm nay rất vui mừng khi cùng bà con đón chào lễ khởi công đường vành đai 3 TP.HCM và các dự án giao thông quan trọng.
Dự án vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột với tổng vốn khoảng 115.000 tỉ đồng. Hạ tầng giao thông chiến lược phát triển đến đâu sẽ mở không gian phát triển đến đó. Nơi nào hạ tầng phát triển, nơi đó kinh tế tốt, thực tế đã chứng minh điều này.
Theo Thủ tướng, mục tiêu là năm 2030 chúng ta phấn đấu đạt ít nhất 5.000km. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta phải quyết tâm cao, hành động quyết liệt để năm 2025 sẽ có trên 3.000km cao tốc đưa vào khai thác.
Như vậy, cả nước sẽ có cao tốc, cân đối trục Bắc - Nam và có thêm các cao tốc trục Đông - Tây, đi qua nhiều tỉnh, thành phố. Từ đó việc đi lại được thông suốt.
Các lãnh đạo dự lễ khởi công - Ảnh: CHÂU TUẤN
"Ba dự án khởi công hôm nay được áp dụng cơ chế đặc thù khi giao cho địa phương làm chủ quản dự án. Áp dụng nguồn lực cơ chế ngân sách từ nhiều nguồn, từ địa phương và trung ương. Cùng với các cơ chế đặc thù đã giúp chúng ta rút ngắn thời gian, đột phá trong cơ chế chính sách", Thủ tướng nói và cho hay việc giải phóng mặt bằng được thực hiện bàn giao nhanh nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Thủ tướng cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của nhân dân cả nước đã nhường phần đất, nhà ở, nơi sinh kế nhiều năm để triển khai dự án.
Về quan điểm chung, công tác giải phóng mặt bằng phải đảm bảo bố trí chỗ ở cho người dân bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Từ đó, cơ quan quản lý mới nhận được sự đồng thuận cao từ nhân dân.
Để công trình đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tỉnh thành được giao tập trung quyết phát huy tinh thần trách nhiệm, đảm bảo chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ. Đặc biệt, không để dự án đội vốn bất hợp lý, không để xảy ra tham nhũng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính xem bản đồ dự án vành đai 3 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói sau một năm tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, đến hôm nay, dự án vành đai 3 TP.HCM đã đủ điều kiện để khởi công cùng các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đây là cột mốc quan trọng trong tiến trình triển khai dự án.
Theo ông Mãi, vành đai 3 TP.HCM là công trình ý Đảng lòng Dân, là con đường kết nối, con đường phát triển. Những việc thời gian qua đã làm là rất lớn, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên thời gian tới, TP.HCM cùng với các địa phương sẽ tiếp tục tập trung giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành dự án đúng kế hoạch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ khởi công đường vành đai 3 TP.HCM - Ảnh: TTXVN
TP.HCM thay mặt các địa phương, xin cam kết với Chính phủ, các lãnh đạo và nhân dân sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương theo dõi sát sao để công trình vành đai 3 TP.HCM thông xe kỹ thuật năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
TP.HCM cũng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cùng nhau phối hợp đẩy nhanh hoàn thành dự án. TP.HCM kính đề nghị Chính phủ, Thủ tướng và trung ương tiếp tục quan tâm và đầu tư các công trình giao thông trọng điểm ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"TP.HCM tiếp tục mong bà con nhân dân, các tổ chức, các hộ gia đình tiếp tục đồng hành, ủng hộ. Hãy cùng là đồng tác giả của công trình trọng điểm này, đường vành đai 3 TP.HCM", ông Mãi nói.
Dự án vành đai 3 TP.HCM có tổng chiều dài 76,3km đi qua 4 địa phương: TP.HCM (47,35km), tỉnh Đồng Nai (11,26km), tỉnh Bình Dương (10,76km), tỉnh Long An (6,81km).
Dự án chia làm 8 dự án thành phần, mỗi địa phương làm hai dự án gồm xây lắp và mặt bằng. Tổng mức đầu tư 75.378 tỉ đồng, từ vốn ngân sách trung ương và các địa phương.
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, phá thế độc đạo của quốc lộ 51
Mặt bằng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn giáp ranh 2 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Nai - Ảnh: Đ.H.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng diễn ra lễ khởi công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ ngành trung ương và địa phương đến dự.
Từ năm 2010 đã chủ trương làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhưng đến nay, sau 13 năm mới thành hiện thực. Cao tốc này là một trong những động lực quan trọng mang lại sự phát triển đột phá, lan tỏa cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cụ thể, sau khi hoàn thành vào năm 2025, cao tốc này sẽ phá thế “độc đạo” của quốc lộ 51.
Ông Nguyễn Văn Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là con đường huyết mạch, tạo kết nối hạ tầng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó quan trọng là đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép - Thị Vải.
“Cùng với cao tốc Bắc Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập sâu rộng”, chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết.
Các đại biểu làm lễ động thổ dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - Ảnh: A LỘC
Sáng cùng ngày, tại Đồng Nai cũng tổ chức khởi công hai dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 - TP.HCM và cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Dự án thành phần 1 có chiều dài 16km. Điểm đầu tuyến tại km0+000 kết nối với đường Võ Nguyên Giáp (quốc lộ 1, tuyến tránh TP Biên Hòa) tại phường Phước Tân, TP Biên Hòa. Điểm cuối tại mm16+000 kết nối với điểm đầu dự án thành phần 2 tại xã Long An, huyện Long Thành.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí xây lắp khoảng 3.176 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.836 tỉ đồng. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước.
Quy mô giai đoạn hoàn thiện gồm 6 làn xe cơ giới, 2 dải dừng xe khẩn cấp, 2 lề dất, 1 dải phân cách giữa. Trong đó, quy mô phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 có 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Theo kế hoạch, dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án từ năm 2026.
Ông Ngô Thế Ân, trưởng Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, thông tin về dự án thành phần 3 - Ảnh: A LỘC
Ông Ngô Thế Ân, trưởng Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh Đồng Nai, cho biết đây là dự án đặc biệt quan trọng kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển; phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Ngoài ra, dự án góp phần tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Đông Nam Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Qua đó, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Ân, hiện ban đang khẩn trương thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu và các công tác khác theo quy định để sớm triển khai thực hiện các gói thầu xây lắp. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành của TP Biên Hòa và huyện Long Thành trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch.
Cùng ngày, UBND tỉnh Đồng Nai cũng khởi công dự án thành phần 3 thuộc dự án đường vành đai 3 - TP.HCM đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Theo đó, dự án thành phần 3 có chiều dài hơn 11,2km. Điểm đầu tuyến tại km0+000 thuộc địa phận xã Vĩnh Thanh, điểm cuối tại cầu Nhơn Trạch thuộc khu vực xã Long Tân (cùng huyện Nhơn Trạch).
Khi hoàn thiện, phần đường cao tốc có quy mô 8 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Còn đường song hành hai bên bố trí tối thiểu 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe hỗn hợp mỗi bên, vận tốc thiết kế 60km/h.
Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1, phần đường cao tốc đầu tư 1/2 mặt cắt ngang của đường cao tốc với 4 làn xe. Đối với phần đường song hành, mỗi bên bố trí 2 làn xe.
Dự án thành phần 3 thuộc dự án đường vành đai 3 - TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 2.600 tỉ đồng. Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án vào năm 2026.
Ông Lê Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho biết đến nay, cả nước có 1.729km cao tốc. Tuy nhiên, vùng động lực Đông Nam Bộ chỉ có 147km, vùng tiềm năng Tây Nguyên mới có 19km. Việc khởi công các dự án cao tốc hôm nay sẽ góp phần nối dài cao tốc cả nước, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu có khoảng 5.000km.