Theo nghiên cứu được xuất bản gần đây trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học nhận định với tốc độ băng tan và biến đổi khí hậu như hiện tại, rất có thể tới năm 2030, vùng biển Bắc Băng Dương sẽ không còn băng vào mùa hè.
Xem nội dung: 16148
Xem nội dung: 16149
Băng ở Bắc Cực bắt đầu tan vào mùa Hè và độ bao phủ sẽ giảm xuống mức thấp nhất vào tháng Chín trước khi gia tăng trở lại vào mùa Đông và Xuân. Các nhà khoa học nhận định Bắc Cực không còn băng sẽ tác động lớn đến toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu quan sát từ vệ tinh và các ghi chép về băng tại vùng biển Bắc Cực trong 40 năm từ 1979-2019. Họ phát hiện lớp băng vào mùa Hè ở Bắc Cực đã giảm 13% mỗi thập kỷ. 90% lượng băng tan chảy là do tác động của con người và 10% còn lại là do yếu tố tự nhiên.
Theo báo cáo năm 2021 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, băng Bắc Cực sẽ không mất đi vào mùa hè nếu cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng và duy trì nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2 độ C. Nếu không, đến năm 2040, băng Bắc Cực sẽ biến mất vào mùa hè.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học, dù lượng khí thải nhà kính giảm xuống mức thấp nhất, Bắc Cực cũng sẽ trải qua mùa hè không có băng vào những năm 2050. Kịch bản này sẽ diễn ra vào năm 2030, tức sớm hơn 10 năm so với dự báo năm 2021, trong trường hợp việc phát thải tiếp tục duy trì ở mức cao.
Giáo sư Dirk Notz - nhà hải dương học Đại học Hamburg (Đức) và là thành viên nhóm nghiên cứu nói: “Về cơ bản, đã quá muộn để cứu băng biển mùa Hè ở Bắc Cực”.
Một khi mùa hè ở Bắc Cực không còn băng, quá trình hình thành băng biển trong mùa lạnh hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn, đồng nghĩa thời gian Bắc Cực không có băng ngày càng lớn.
Giáo sư Seung-Ki Min tại Đại học Pohang (Hàn Quốc) - người đứng đầu nghiên cứu mới cho biết: “Nếu tình trạng băng ở Bắc Cực tan nhanh hơn dự đoán, tình trạng nóng lên ở Bắc Cực sẽ nhanh hơn. Điều này làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu như sóng nhiệt, cháy rừng và lũ lụt”.