Mặt trái của hủ tục "náo hôn" tại Trung Quốc
Tập tục “náo hôn” nghĩa đen là “tạo nên sự hỗn loạn ở đám cưới”, có truyền thống từ thời nhà Hán, vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Theo đó thì trong đám cưới, khách mời thường yêu cầu cô dâu chú rể phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ, nhằm đảm bảo không khí sống động của đám cưới và tỏ rõ tình thân hữu.
Trước đây, đôi vợ chồng mới cưới thường bị làm khó bằng những màn như hôn môi hoặc một số việc có thể khiến cô dâu e lệ, xấu hổ. Nhưng hiện nay, những trò náo hôn được mở rộng sang phù dâu trong các đám cưới. Tập tục này dần bị biến tướng thành những trò đùa quái ác, đi quá xa gây phản cảm và thậm chí có trường hợp cô dâu, phù dâu bị tấn công tình dục.
Tục náo động phòng đang trở thành nỗi ám ảnh của các cô dâu chú rể Trung Quốc, nhất là với cô dâu bởi nó rất dễ trở nên không thể kiểm soát, trở thành bạo lực và quấy rối tình dục. Theo khảo sát năm 2014 của Youth Youth Daily trên 21.000 người, có đến 80% cho biết họ bị bắt nạt, bị sàm sỡ trong đám cưới của chính mình, 60% tuyên bố căm ghét hủ tục này. Không ít người thậm chí còn phải chạy trốn trong đêm tân hôn. Có những chú rể bị bạn bè mình lột đồ diễu phố, ném đồ ăn vào người, nhiều cô dâu bị sờ soạng, ôm ấp, xé váy áo đến mức phải khóc gào kêu cứu.
Những năm gần đây, cùng với sự xuất hiện liên tục của những clip tố cáo cảnh náo động phòng biến tướng thô bỉ, cộng đồng mạng nhiều lần sục sôi giận dữ, lên án hủ tục này, kêu gọi từ bỏ nó để không còn những cảnh bắt nạt, bạo hành, xâm hại… trong ngày vui của các đôi trẻ. Sự trắng trợn và quá đáng của các màn náo động phòng cũng làm tăng số vụ tố cáo đến cảnh sát, và lực lượng này đã phải tiếp nhận, xử lý rất nhiều vụ quấy rối tình dục phụ nữ với danh nghĩa náo hôn trong những năm qua.