Tao gửi tạm ở đây nhé :
Chánh Kinh :
VI. Thiên Nữ (S.i,33)
Thiên nữ đoàn tụ hội,
Ngạ quỷ chúng tới lui,
Rừng ấy danh rừng si,
Làm sao có lối thoát?
(Thế Tôn):
Ðường ấy tên chơn trực,
Phương ấy danh vô úy,
Cỗ xe gọi vô thanh,
Với pháp luân khéo ráp,
Tàm là dàn xe dựa,
Niệm là trướng màn xe,
Ta nói vị đánh xe,
Tức là chơn diệu pháp,
Và chính chánh tri kiến,
Mau chóng đi tiền phong.
Không kể nam hay nữ,
Ðều dùng cỗ xe ấy.
Chính nhờ cỗ xe ấy,
Hướng tiến đến Niết-bàn.
Chú giải :
Bài kinh này có nội dung hơi lạ lạ. Có một vị tỳ kheo tu hành rất tinh tấn, cần chuyên, thanh tịnh, đùng một cái, vào một ngày buồn không còn thở nữa. Trong cái chết đột ngột đó, vị này được sanh thiên.
Trong chú giải nói thế này: ayaṃ kira devaputto tương truyền rằng vị thiên tử này sau khi xuất gia trong giáo pháp của Đức Phật được 5 năm tu hành tinh tấn, làm tròn trách nhiệm của người tu hành, học trọn vẹn cả thiền chỉ lẫn thiền quán là người rất là dễ thương, bậc tiêu dao thoát tục sống trong rừng thì mạng chung. Sau khi chết rồi thì sanh về trời.
Theo một sớ giải khác nói chuyện sanh về địa ngục hay sanh về trời:
Sanh về cõi Trời thì sau khi chết rồi sẽ thấy giống như mình thức dậy và có cảm giác thơm ngát, mát lạnh, xung quanh là những âm thanh du dương, những âm thanh chưa bao giờ được nghe trong đời sống thường nhật, mở mắt ra thấy quanh mình toàn tiên nữ, lâu đài trôi bềnh bồng trong mây trắng, bốn phương không giới hạn.
Sanh về địa ngục thì có cảm giác thức dậy trong lò bánh mì, bốn bề lửa cháy nóng rần rần, có tiếng van xin gào thét, mùi hôi thối, lúc đó thì biết rằng mình đã “hạ cánh”! Có người đâm chọt, cắt thịt cắt da, xung quanh toàn những người bị giống như mình.
Vị tỳ kheo này cũng vậy, nghe mát lạnh thơm mát, mở mắt ra thấy một rừng mỹ nữ, vị này mất hồn. Cô tiên nữ nói: Ngài không có gì phải ngại, giờ ngài đã thành thiên tử, ngài là chủ của chúng tôi. Vị này lòng không yên lập tức dùng trí tuệ quan sát, biết mình đã từ trần, sanh về đây, nhưng chỗ này không hạp với mình. Như một đứa bé nhớ mẹ, vị này nhớ ngay đến Đức Phật bổn sư liền. Chúng ta hãy nhớ một chuyện như thế này, khi mình dễ duôi, mê đời, mê tiền, mê gái, háo sắc thì mình thấy đời đẹp, nhưng một người sợ sanh tử thì hình ảnh Đức Phật là hình ảnh tuyệt vời nhất, là sự an toàn, an lạc. Một người có niềm tin nơi đạo thì ngoại trừ những phút dễ duôi riêng mình ra thì không có hình ảnh nào an toàn bằng hình ảnh Đức Phật.
Vị tỳ kheo này về trời thấy bầy tiên nữ thì sợ hãi đám này sẽ đưa mình về cõi đọa ngàn trùng viễn xứ của máu lửa tang thương, nên lập tức quay về với Thế Tôn. Quí vị thấy câu kệ này mới tang thương nè:
Thiên nữ đoàn tụ hội,
Ngạ quỷ chúng tới lui,
Rừng ấy danh rừng si,
Làm sao có lối thoát?
Rừng si ở đây tiếng Pāḷi là Mohana. Trên cõi trời có rừng Nandana (Xem lại bài kinh Vườn Hoan Hỷ), gọi là rừng Khoái Lạc, vị này chơi chữ thay vì gọi là rừng Nandana thì gọi là rừng Mohana, rừng si.
Si ở đây không phải là loại cây si cây kiểng.
Người Tích Lan tả người nữ: “ajjhattayakkhā bahiddhadevatā”nghĩa là
bụng dạ xoa, ngoài thiên nữ, giống kiểu khẩu Phật tâm xà.
Chữ ‘quỷ’ này có hai nghĩa:
1. Gian ác nhỏ mọn, ích kỷ;
2. Là người đưa mình xuống địa ngục.
Trong tiếng Sanskrit còn gọi người nữ là ‘narakadipikā’ nghĩa là “ngọn đuốc dẫn về địa ngục”.
Bữa nay tôi đứng về phía vị tỳ kheo nên chắc quí vị phụ nữ rất là buồn. Có chuyện này mình cũng nói nhỏ nhau thôi, người nam ghét nhau nhưng vì hoàn cảnh có thể gần nhau được, chứ nữ thì không.
Lòng người nữ hẹp lắm nhưng nói ra họ giận.
Vị này nói,
“Accharāgaṇasaṅghuṭṭhaṃ, pisācagaṇasevitaṃ”. - Thấy tiên nữ vậy thôi chớ đó là đám quỷ
. “Vanantaṃ mohanaṃ nāma”, bây giờ đang sống trong khu rừng tăm tối mịt mù như vậy,
“kathaṃ yātrā bhavissatī” biết đi đâu về đâu.
Kathaṃ: thế nào (how).
Yātrā nghĩa gốc là ‘hành trình’ (journey).
HT Minh Châu dịch là “làm sao có lối thoát”.
Tâm trạng của vị này: Bạch Thế Tôn chung quanh con giờ toàn quỷ cái không hà, sống chung với đám quỷ hắc ám vậy giờ con biết đi đâu về đâu.Hiện nay Ấn Độ dùng chữ ‘Yātrā’ để chỉ cho ngành du lịch (tourism).
Đức Phật nói: Đừng nói là ngươi không chỗ về, rõ ràng có một chiếc xe yên tĩnh đi về nơi không sợ hãi với các phụ tùng là những thiện pháp, bất kể ai trên đời này cũng đều phải dùng chiếc xe đó đến Niết Bàn. “Ðường ấy tên chơn trực … Hướng tiến đến Niết-bàn”.
Con đường mà HT Minh Châu dịch “con đường chơn trực” “Ujuko nāma so maggo” có nghĩa là con đường không quanh co. ‘Vanka’ là ‘quanh co’. Cái lưng bị cong cũng là ‘vanka’, con đường quanh co cũng là ‘vanka’, sự trùng hợp ngẫu nhiên[1]. Con đường không quanh co ở đây ám chỉ Bát Thánh Đạo, là con đường đi thẳng, không tái sanh.
Con đường thiện ác theo nghĩa thế gian thì có quanh quẹo. Những thiện pháp được tu tập trong lý tưởng vô lậu thì đi thẳng về phía trước.
Đức Phật dạy, này các tỳ kheo sở hành quanh co dẫn đến sanh thú quanh co. Con rắn, con chồn, cáo, chim, chuột rất sợ loài người hoặc loài lớn hơn thì sẽ tìm cách trốn lủi luồn lánh. Cũng vậy, người mà có sở hành bất thiện thì gọi là người có sở hành quanh co.
Vankacārī: sở hành quanh co. Cái gì bất thiện thì đâu dám khoe, phải giấu, chính vì sở hành bất thiện mình phải giấu nên đời sau mình sanh thành loài gì đó hay né tránh trốn lủi lòn lách như chuột, rắn.
Người đi đường ngay lối thẳng chỉ có thiện pháp thôi.
Abhayā disā: phương trời an toàn vô úy, ám chỉ Niết Bàn.
Ujuko maggo: con đường trực chỉ không quanh co ám chỉ cho Bát Thánh Đạo.
Akūjano ratho: chiếc xe êm ái không tiếng ồn, cũng ám chỉ Bát Thánh Đạo. Như vậy ở đây Bát Thánh Đạo vừa là con đường cũng là chiếc xe.
Aṭṭhaṅgiko maggo ujuko nāma. Bát Thánh Đạo là con đường trực chỉ không quanh co.
Ratho akūjanoti aṭṭhaṅgiko maggova adhippeto. Chiếc xe không tiếng ồn cũng ám chỉ cho bát thánh đạo.
Adhippeto: ám chỉ. Vì sao không tiếng ồn? Chiếc xe bình thường càng đông khách thì càng om sòm, còn chiếc xe Bát Thánh Đạo càng nhiều người tu thì càng yên lặng, nên được gọi là xe vô thanh.
Con người tu đúng Bát Chánh Đạo rồi thì đông bao nhiêu cũng không ồn.
Ekappahārena caturāsītiyāpi pāṇasahassesu: Chiếc xe này dù có tám muôn bốn ngàn người chất lên ngồi đi nữa thì đi cũng không có tiếng động.
‘Dhammacakkehi’: ‘bánh xe pháp’. ‘Bánh xe pháp’ ở đây ám chỉ cho sự tinh tấn thân tâm. Kāyikacetasikavīriyasaṅkhātehi dhammacakkehi saṃyutto.
‘Kàyaviriya cetasikaviriya’: ‘tinh tấn thân tâm’
‘Cetasika’:
1. Tâm sở (mental factor, ingredient, thành phần của tâm).
2. Mental (thuộc về tâm).
Pháp luân là bánh xe phải được đẩy về phía trước bằng lực đẩy của sự tinh tấn thân tâm.
‘‘Hirī tassa apālambo, satyassa parivāraṇaṃ;
Chữ ‘Apālambo’ ở đây tôi không muốn dịch vì không rành thiết bị phụ kiện của xe ngựa, lại là xe ngựa thời xưa nữa. Cấu trúc cơ bản của nó giống nhau nhưng chi tiết đi theo của nó tôi không chắc. Đây là một cơ phận nào đó của xe mà thôi. Ở đây Ngài nói bánh xe chỉ cho sự tinh tấn; tàm, niệm, chánh tri kiến là những bộ phận của chiếc xe. Chiếc xe ngựa ngó đơn giản nhưng cách đây mấy ngàn năm các bộ phận của nó không giống như bây giờ. Chiếc xe ngựa của vua Tần Thủy Hoàng lạ lắm. Xe ngựa của châu Âu hình chữ nhật, nhưng thùng xe của Tần Thủy Hoàng hình vuông. Vào google gõ chữ ‘Binh mã dụng’, hoặc ‘terracotta carts’ để xem thêm cho biết.
Hirī là tàm, trong chú giải nói, chánh kinh chỉ nói tàm nhưng hàm ý có cả úy ở đây
. Có những cặp không rời nhau: hôn thụy (thīnamiddha); tàm úy (hirīottappa), giả dối lừa đảo (māyā-sātheyya).
“Dhammāhaṃ sārathiṃ brūmi, sammādiṭṭhipurejavaṃ”.
Gonna dammasārathi : người đánh xe bò giỏi,
Assa dammasārathi: người đánh xe ngựa giỏi.
‘Purisadammasārathi’: Ðiều Ngự Trượng Phu, người thiện nghệ, lành nghề trong việc độ con người. “Chơn diệu pháp” (Dhamma) ở đây ám chỉ cho ‘Thánh đạo’, “Chánh tri kiến” thì HT Minh Châu dịch là “Mau chóng đi tiền phong”, chữ này tôi chống tuyệt đối;
‘purejava’phải dịch là ‘người tiền trạm’, ‘tiên phong’ (running in front).
Phong có nghĩa là ngọn núi hay đỉnh núi; cô phong là ngọn núi lẻ loi. Phong có nghĩa là gió. Phong có nghĩa là mũi nhọn, (tiên phong).
Chánh kiến ở đây ám chỉ cho trí tuệ quán (Vipassana): trí tuệ thấy được tánh Tam tướng (cái gì sanh ra thì sẽ mất đi, đã có rồi sẽ biến diệt, băng hoại và phân hủy) và duyên khởi (cái này có từ đâu, và sẽ dẫn đến cái gì, cái này có cái kia có, cái này không cái kia không) của danh sắc. Chính trí này được xem là ‘kẻ tiền trạm’ (purejava) dẫn đầu.
Bài kinh này rất gần gũi với hành giả, bởi vì làm gì thì làm, nói cho rốt ráo, dù có mê pháp học cách mấy đi nữa, mê chuyện làm phước gì đi nữa thì phải nhớ rằng không có cái chi qua được trí tuệ Vipassana hết, vì trí tuệ này chỉ có trong thời kỳ của Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thôi.
Nếu đủ duyên thì chứng quả đời này, nếu vô duyên kém phước thì cũng gieo duyên đời sau kiếp khác, có thể là lúc xá lợi gom lại năm ngàn năm cũng có, có thể là chết kiếp này rồi tái sinh trở lại tu tập kiếp kế, kế, kế nữa. Nhiều thì không dám nhưng tôi có niềm tin là Sơ quả không phải đời này thì cũng kiếp sau, cứ làm phước và nguyện đời đời, nguyện dồn dập thì tôi nghĩ không khó. Những biệt hạnh đệ nhất thì khó vì đòi hỏi thời gian tu Ba-la-mật nhất định còn chuyện Sơ quả, nhất là có loại sơ quả tột mạng, đắc xong rồi chết luôn (samasīsī) mình chỉ cần “đủ tiền để mua được cái vé” lên đó, mua cái visa bước vào đó, chết ở phi trường xứ người – của thánh nhân – cũng được. Làm gì đi nữa thì cũng nhớ sống chậm lại một chút để nhìn cái gì đang diễn ra. Điều quan trọng nữa là thời gian luôn luôn đi vun vút và bất cứ giây phút nào cũng là giây phút cuối cùng, nó qua rồi thì không còn trở lại được nữa. Một ngày dù vui dù buồn, dù thiện, dù ác, dù quạnh hiu hay náo nhiệt thì một ngày rồi cũng trôi đi.
Trong khi ở VN thì khái niệm ‘weekend’ gần như không có, cảnh thanh niên ngồi lê thê ngoài đường uống cà phê không bao giờ có ở Mỹ. Một lần nào đó bà con thử đặt chân xuống ở nhà ga metro New York, London sẽ thấy kinh hoàng, một đứa bé trên tay mà rớt xuống là tiêu vì chân người đan kín mít lại di chuyển rất nhanh. Tôi có một pháp môn Watching Meditation, nhìn đồng hồ để thấy giây phút nào cũng là giây phút cuối cùng thưa quí vị. Và sẽ có một ngày những gì chúng ta đang sở hữu ở đây chỉ là cái gì đó rất là nhàm chán, rất là mỉa mai. Một cái đồng hồ ngày xưa mình mua đeo cho sướng tay thì bây giờ đeo không nổi khi cái tay bị bệnh liệt rung Parkinson, và có ngày mình nhìn mà không biết nó là cái gì, và thậm chí không biết đeo vào cổ chân hay cổ tay. Cho nên hãy nhớ rằng trong bài kinh này, Đức Phật kết thúc rằng: chính trí tuệ thiền quán là kẻ tiên phong, luôn luôn đặt ưu tiên trước bố thí, trì giới, phục vụ v.v...